何 乙支 譜 族 娥 媚 上 村 青 玫 社 清 威 縣 河 內 城 浦

(娥媚上村青玫社清威縣河內城浦)

Ẩm thủy tư nguyên


Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

CÁC LOẠI TUỔI TRONG MỘT CON NGƯỜI


Người Việt rất coi trọng tuổi, vì thế trong tiếng Việt "tên" với "tuổi" thường đi liền. Có điều, loại tuổi mà chúng ta thường hỏi thăm, mừng tuổi trong dịp đầu xuân chỉ cung cấp rất ít thông tin liên quan đến sự biến đổi về tố chất của con người. Trong khoa học còn sử dụng nhiều loại tuổi khác.
Tuổi thời gian
Thứ tuổi chúng ta thường hỏi thăm nhau hằng ngày, khoa học gọi là "tuổi thời gian", ký hiệu là CA (Chronological Age), chỉ thời gian một con người đã sống, tính từ khi sinh ra trên đời. Tuổi này cũng có thể gọi là "tuổi hành chính", vì được sử dụng trong các thứ giấy tờ như giấy khai sinh, chứng minh thư, hộ khẩu... Tuy nhiên, loại tuổi này không phải lúc nào cũng tương xứng với trình độ phát triển của con người trên các phương diện, do đó trong một số lĩnh vực khoa học như sinh học, y học, tâm lý, giáo dục, xã hội học... người ta còn sử dụng những loại tuổi khác.
Tuổi sinh lý
Tuổi sinh lý phản ánh mức độ phát triển của con người về mặt sinh lý. Các kết quả quan sát và nghiên cứu cho thấy ở vùng nhiệt đới, ở những nơi có điều kiện dinh dưỡng tốt, tốc độ phát triển về sinh lý thường sớm hơn độ tuổi thời gian. Còn ở vùng hàn đới, những nơi có điều kiện dinh dưỡng kém và những người mắc một số chứng bệnh mạn tính, tốc độ phát triển về sinh lý thường tụt hậu so với thời gian. Ví dụ, trong số những bé gái 10 tuổi, một số em đã có kinh nguyệt, trong khi ở một số khác lại chưa có những đặc trưng về mặt giới tính. Tốc độ phát triển về sinh lý của con người phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện khí hậu, chế độ dinh dưỡng, các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội... Nói chung, sự phát triển của con người về mặt sinh lý thường không đồng bộ với thời gian sống. Vì vậy không thể coi "tuổi sinh lý" và "tuổi thời gian" là giống nhau.
Tuổi trí lực
Trong giáo dục, người ta sử dụng chỉ số thông minh IQ (Intelligence Quetidient). IQ thực chất là loại "tuổi trí lực" - MA (Mental Age), vì nó phản ánh trình độ phát triển về trí lực của con người.
Nói cụ thể hơn, chỉ số IQ được tính toán dựa trên "mức phát triển tiêu chuẩn", tương ứng với từng độ tuổi. Thí dụ, một em bé 10 tuổi trả lời đầy đủ các câu hỏi trắc nghiệm - được coi là chuẩn mực về phát triển trí lực của trẻ 10 tuổi - thì sẽ có IQ = 100. Nếu đó là em bé thông minh khác thường, không những trả tốt các câu hỏi dành cho 10 tuổi, mà còn trả lời đầy đủ những câu hỏi của tuổi 12, thì sẽ có chỉ số IQ = 120. Ngược lại, một em bé 10 tuổi không có khả năng trả lời đúng tất cả câu hỏi của độ tuổi mình, mà chỉ trả lời đúng những câu hỏi của trẻ 8 tuổi, thì IQ khi đó bằng 80.
Các số liệu trắc nghiệm trong nhiều năm cho thấy, đại đa số dân chúng có số trí lực trung bình, tức là IQ xấp xỉ bằng 100; khoảng 18% có IQ cao hơn trung bình (110 - 119) và 15% có IQ thấp hơn trung bình (80 - 89). Những người có IQ từ 120 trở lên được xem là thông minh đặc biệt; còn IQ thấp hơn 70 thì xếp vào loại trí lực chậm phát triển, thấp hơn nữa là các dạng khuyết tật trí lực... Tuy nhiên, tuổi trí lực hay IQ chỉ phản ánh tương đối đúng về khả năng theo học trong các trường phổ thông, mà chưa thể phản ánh đầy đủ mức độ thông minh thực sự, cũng như năng lực tiềm ẩn trong một con người.
Tuổi tâm lý
Loại thứ 2 là "tuổi tâm lý". Tuổi tâm lý bao quát cả tuổi trí lực; nó phản ánh những đặc trưng tâm lý của con người theo từng độ tuổi. Các chuyên gia tâm lý cho rằng cuộc sống tâm lý của con người có giai đoạn chính: tuổi ấu thơ, tuổi trước mẫu giáo, tuổi mẫu giáo, tuổi đi học, tuổi vị thành niên, tuổi trung niên và lão niên. Mỗi một thời kỳ đều có những đặc trưng nhất định về mặt tâm lý. Ví dụ, trong độ tuổi mẫu giáo, hoạt động tâm lý ở trẻ nhỏ thiên về trực giác, tuổi thanh xuân nhiều mơ mộng, tuổi lão niên thường hoài cổ...
Tuổi xã hội
Tuổi này phản ánh về năng lực xử sự và khả năng thích ứng với hoàn cảnh xã hội của mỗi con người; cũng có thể gọi là trình độ xã hội hóa của con người. Tuổi xã hội phụ thuộc nhiều vào trình độ văn hóa, sự từng trải, kinh nghiệm sống và mức độ thành thục về phương diện tâm lý. Trong sinh hoạt hằng ngày chúng ta thường thấy có một số em mới ít tuổi mà xử thế đã rất lão luyện, thích ứng rất nhanh với những biến động trong xã hội; trong khi đó có một số người tuổi đã lớn mà cư xử như trẻ con, đối với những sự việc diễn ra trong cuộc sống vẫn ngô nghê như "gà công nghiệp".
Tuổi tổng hợp
Từ thời xa xưa, người phương Đông thường sử dụng một loại tuổi khác, có thể gọi là "tuổi tổng hợp", vì bao gồm sự phát triển con người về trí lực - tâm lý - xã hội, đồng thời còn đề cập tới những mục tiêu cụ thể, trong từng giai đoạn.
- Giai đoạn 1: "Thập hữu ngũ nhi chí vu học" - nghĩa là 15 tuổi thì để hết tâm trí vào việc học; nói cách khác, thiếu thời cần tập trung vào việc tu dưỡng, xác định chí hướng và tích lũy kiến thức.
- Giai đoạn 2: "Tam thập nhi lập" - 30 tuổi lập thân, lập nghiệp - đã trụ vững, có nghề nghiệp, việc làm, có khả năng nuôi sống bản thân và gia đình, đã xác định vị trí của mình trong xã hội.
- Giai đoạn 3: "Tứ thập nhi bất hoặc" - 40 tuổi không còn mê hoặc, đến tuổi này thì đã chín chắn, lịch duyệt; có kiến thức và kinh nghiệm phong phú, nên đối với những việc diễn ra trong xã hội có chính kiến rõ ràng, kiên định, không còn nghi ngờ (bất hoặc).
- Giai đoạn 4: "Ngũ thập nhi tri thiên mệnh" - 50 tuổi thì biết rõ sứ mệnh của mình; đã nắm vững quy luật tự nhiên và xã hội, biết được xu thế của thời cuộc, nên công việc thường thuận lợi và dễ dàng đi đến thành công.
- Giai đoạn 5: "Lục thập nhi nhĩ thuận" - 60 tuổi thì không còn chướng tai gai mắt; do lý giải đúng căn nguyên của mọi việc diễn ra xung quanh và thấu hiểu nhân tình thế thái, nên dễ thông cảm và có thái độ khoan dung hơn - nhìn sự việc không còn thấy chướng tai gai mắt (thuận nhĩ); không như tuổi trẻ hiểu biết còn nông cạn, nên trước nhiều sự việc thường cảm thấy khó chịu, bực mình.
- Giai đoạn 6: "Thất thập nhi tòng tâm sử dục, bất du cửu" - Tới tuổi 70, cổ lai hy thì đạt đến cảnh giới đắc đạo tâm tính và đạo đã hợp nhất, mọi thứ đã thành bản năng nên nghĩ gì hay làm gì cũng đều hợp đạo, chẳng vi phạm phép tắc (bất du cửu = không vượt ra ngoài quy tắc).
Sáu giai đoạn cuộc đời do Khổng Tử đặt ra đã khái quát đầy đủ sự phát triển của con người theo thời gian - trên tất cả phương diện. Có thể nói, đó là một mô hình lý tưởng về sự phát triển đồng bộ - hài hòa - toàn diện của con người cùng với thời gian. Có lẽ chính vì vậy, cho dù hiện tại trong khoa học đã xuất hiện nhiều loại tuổi, mà chúng ta vẫn thích sử dụng đến loại tuổi này.


(Nguyễn Đình Đức sưu tầm)